DaNang Travel Media tham dự tour du lịch kết nối phát triển sản phẩm du lịch tâm linh nổi tiếng của 3 tỉnh: Chùa Hương (Hà Nội), Tam Chúc (Hà Nam), Tràng An (Ninh Bình) và Hội nghị Liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Ninh Bình với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh, thành phố.
Trong 3 ngày 26- 28/12, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Ninh Bình tổ chức chương trình Famtrip trải nghiệm các sản phẩm du lịch Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam.
Theo Ban tổ chức, mục tiêu của chuyến khảo sát lần này là giới thiệu với các thành viên trục hành trình tâm linh đặc sắc của miền Bắc với sự kết nối của 3 thắng cảnh nổi tiếng của 3 tỉnh: Chùa Hương (Hà Nội), Tam Chúc (Hà Nam) và Tràng An (Ninh Bình).
Tham gia chương trình Famtrip các đại biểu đã trải nghiệm sản phẩm mới Chùa Hương (Hà Nội), Tam Chúc (ở Hà Nam), sản phẩm mới Trekkinh Trang An (Ninh Bình)- tuyến du lịch ngồi thuyền kết hợp leo núi và thưởng thức ẩm thực độc đáo tại vùng đất cố đô Hoa Lư.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tham gia khảo sát một số khu nghỉ dưỡng, khách sạn nổi tiếng của tỉnh Ninh Bình như: Khu du lịch nghỉ dưỡng Vedana resort Cúc Phương; khu nghỉ dưỡng Emeralda; khách sạn Legend; Phố cổ Hoa Lư…
Điểm đầu tiên đoàn đặt chân tới đó là khu tâm linh Chùa Hương. Chùa Hương nằm trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Chùa Hương đã được Bộ Văn hoá (nay là Bộ văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích Quốc gia ngày 8 tháng 4 năm 1962 tại Quyết định số 313 VH/VP. Nhân dân xã Hương Sơn và du khách thập phương khi trẩy hội thường gọi với cái tên dân dã là đi chùa Hương, bởi theo “Truyện Phật Bà chùa Hương” , đây là nơi tu trì và trác tích của đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát – Phật Bà chùa Hương.
Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng, không chỉ bởi cảnh sơn thủy hữu tình, mà còn là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo Phật của người dân Việt Nam. Đây cũng được mệnh danh là Nam thiên đệ nhất động, với những câu chuyện huyền bí về nhũ đá trong động Hương tích.
Tiếp theo, đoàn dừng chân tại Tam Chúc. Quần thể du lịch chùa Tam Chúc Hà Nam là điểm du lịch tâm linh đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các bạn trẻ và Phật tử trên cả nước. Tam Chúc được mệnh danh là Vịnh Hạ long trên cạn. Cùng với những công trình đồ sộ, quần thể Tam Chúc có ngôi chùa lớn nhất Việt Nam cho tới thời điểm hiện nay, có tháp Ngọc khiến ai cũng mong muốn một lần trong đời được chiêm bái.
Điểm cuối của hành trình khám phá là Tràng An. Danh thắng Tràng An là khu du lịch sinh thái nằm trong Quần thể di sản thế giới Tràng An. Tràng An đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và được UNESCO công nhận là di sản thế giới kép từ năm 2014.
Trong chuyến khảo sát lần này, tỉnh Ninh Bình đã giới thiệu với các công ty lữ hành một sản phẩm mới của du lịch Tràng An đó là trải nghiệm tuyến xe búyt 2 tầng tham quan thành phố Ninh Bình và một số khu, điểm du lịch trong tỉnh.
Việc khảo sát đưa tuyến xe búyt 2 tầng phục vụ khách du lịch tại Ninh Bình nhằm đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, đặc biệt là tạo thêm sản phẩm du lịch mới để giúp cho du khách có thêm thời gian trải nghiệm tại địa phương.
Tuyến xe búyt 2 tầng với lịch trình xuất phát từ phố cổ Hoa Lư, thành phố Ninh Bình đưa du khách qua cung đường thành phố Ninh Bình đến các điểm du lịch nổi tiếng tại địa phương như: Tam Cốc, Tràng An, Chùa Bái Đính với thời gian khoảng hơn 1,5 tiếng.
Trong chuyến khảo sát, du khách không chỉ được trải nghiệm những phút giây thư thái trên thuyền lướt trên mặt nước xanh thẳm màu ngọc bích, ngắm cảnh núi non hùng vỹ… mà còn có hành trình khá dài leo núi đến chiêm bái ngôi đền cổ bằng đá nằm cheo leo trên vách núi…
Tại các điểm khảo sát, thành viên trong đoàn đã trao đổi, thảo luận và đưa ra những ý kiến đóng góp, để du lịch Ninh Bình ngày càng thu hút du khách.
Theo ông Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, việc tổ chức các chương trình Famtrip là một trong những hoạt động hiệu quả giúp cho những thông tin về du lịch Ninh Bình được lan tỏa tích cực, quảng bá rộng rãi trên các tờ báo lớn cũng như trên website của các công ty du lịch ở trong và ngoài tỉnh.
Tự hào với truyền thống có bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến của thành phố Hà Nội, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội – cho biết hiện Hà Nội được đánh giá là nơi có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn độc đáo nhất trong cả nước, đặc sắc trong khu vực và trên thế giới. Hà Nội hiện là trung tâm du lịch tiếp nhận và phân phối khách du lịch đến các tỉnh phía Bắc và cả nước.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội |
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết trong kế hoạch cho mối liên kết vùng, Hà Nội sẽ tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng để góp vào bức tranh du lịch chung, sẽ liên kết với các địa phương để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc biệt như hành trình qua các kinh đô Việt cổ: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định; trục tâm linh chùa Hương (Hà Nội) – Tam Chúc (Hà Nam) – Tràng An (Ninh Bình), du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp….
Đây cũng cơ hội giao lưu, hợp tác, là cầu nối trực tiếp cho các doanh nghiệp du lịch Ninh Bình với các công ty lữ hành trên cả nước xây dựng và khai thác các tour, tuyến du lịch nội địa, liên tỉnh mới và độc đáo giới cho du khách. Qua đó, góp phần thúc đẩy việc chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới, chung tay, góp sức thực hiện tốt hoạt động phục hồi du lịch.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, đoàn khảo sát cũng đã tham gia Hội nghị hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Ninh Bình với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và một số, tỉnh thành phố lớn./.